Nguyên nhân Chiến_tranh_Xiêm_-_Miến_Điện_(1766-1767)

Từ thế kỷ XV, Xiêm và Miến Điện đều là hai nước hùng mạnh trong khu vực, có phần lãnh thổ chạy dài từ Bắc xuống Nam, giáp biển Andaman. Cả hai nước đều có nhiều quyền lợi ở khu vực này về kinh tế và chính trị. Đối với Xiêm, điều này càng trở nên bức thiết hơn khi vương quốc Malacca, vốn là vùng đất chịu ảnh hưởng của Xiêm, đã bị Bồ Đào Nha xâm chiếm năm 1511, sau đó là Hà Lan kiểm soát (1641). Điều này càng thúc đẩy Xiêm tìm mọi cách để mở rộng buôn bán với các nước như Ấn Độ, phương Tây và cả với Trung Quốc và Nhật Bản.

Nếu Miến Điện làm chủ được miền đất phía Nam cũng có nghĩa là thiết lập được ảnh hưởng của họ đối với các tiểu quốc ở bán đảo Malaysia và điều quan trọng là họ kiểm soát và khống chế được người Môn ở phía Nam, vốn nhiều lần nổi dậy chống lại chính quyền của người Miến Điện. Đó thường là cơ hội để Xiêm lợi dụng sự cầu cứu của người Môn để tiến hành các cuộc tấn công người Miến Điện. Nếu Xiêm làm chủ được dải đất nhỏ, hẹp phía Nam đồng nghĩa là duy trì được quyền lực và ảnh hưởng của mình đối với các tiểu quốc ở bán đảo Malaysia mà vốn là thuộc quốc của Xiêm từ lâu.

Lanna, một công quốc, nằm phía Bắc của Xiêm (hiện nay nằm chung quanh tỉnh Chiềng Mai) thường bị chi phối bởi cả hai nước Xiêm và Miến Điện. Cả hai nước luôn tìm mọi cách để lôi kéo, can thiệp và giành quyền thống trị đối với công quốc Lanna.

Vào năm 1742, người Môn, do Smingtho cầm đầu, đã nổi dậy ở vùng hạ Miến Điện, chống lại chính quyền Ava giành lại chủ quyền riêng cho người Môn, lập vương quốc riêng ở phía Nam. Hơn ba trăm gia đình trong đó có nhiều người thuộc hàng quý tộc, không thể chạy về kinh đô Ava (ở miền trung) họ phải chạy trốn sang Xiêm. Vua Xiêm Borommakot (1730-1758) đã đồng ý cho những người này cư trú trên đất Xiêm và đã tạo điều kiện cho họ sinh sống. Việc làm này của vua Xiêm thể hiện tính nhân ái thương người, đồng thời cũng bao hàm những ý đồ chính trị sâu xa. (Vừa được lòng triều đình Ava, vừa khoét sâu mâu thuẫn giữa người Môn và người Miến để góp phần thay đổi tương quan lực lượng giữa hai nước theo chiều hướng có lợi cho Xiêm [8]

Vào năm 1752, một vị vua trẻ tuổi có khả năng và sức mạnh của Vương quốc Miến Điện là Alaungpaya đã tập hợp được một đội quân tinh nhuệ tấn công người Môn. Không những thế, ông đã thống nhất được đất nước. Điều này không chỉ trở thành nguy cơ đe dọa đối với an ninh lãnh thổ của Xiêm mà còn làm cho Lanna, Lào thực sự lo lắng về sự bành trướng của Miến Điện như đã từng xảy ra vào các thế kỷ trước đó.

Khi đó ở Vương quốc Xiêm La, nội bộ triều đình lại mâu thuẫn, xung đột gay gắt, dẫn đến nhiều cuộc ám hại lẫn nhau giữa các phe phái trong việc tranh giành ngôi vua sau khi vua Borommakot qua đời (1758). Quyền lực của chính quyền trung ương đối với các địa phương suy giảm nghiêm trọng. Đến thời vua Ekkathat cầm quyền (1758-1767), Triều đình Xiêm suy yếu, không thể huy động được sức mạnh của các mường (tỉnh) để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong bối cảnh đó số người Môn bị thất bại đang nương náu trên đất Xiêm đã tập hợp được lực lượng đáng kể tấn công vào miền nam Miến Điện. Sự kiện này làm nguyên cớ trực tiếp để quân đội Miến Điện hùng mạnh của vua Alaungpaya xuất quân trừng phạt người Môn và tiến công xâm lược Xiêm La.[9]